Bệnh viện vệ tinh là đề án nhân văn

 

Sau 5 năm thực hiện, Đề án Bệnh viện vệ tinh đã và đang thực hiện sứ mệnh, mục tiêu nhân văn. Người bệnh, hệ thống ngành Y tế đều hưởng lợi.


Một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh – là vệ tinh của nhiều bệnh viện hạt nhân như: Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương… Ảnh: PV

Một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh – là vệ tinh của nhiều bệnh viện hạt nhân như: Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương… Ảnh: PV

Đề án nhân văn

“Đề án nhân văn” là cụm từ được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh nhiều lần khi phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020 vừa được Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11.

Nhờ có các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật, hiện nay, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng thành công. Bệnh viện tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được trẻ sơ sinh chỉ 500g... Đây là những bước tiến đáng phấn khởi.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh, các y bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Không chỉ có thế, thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong.

Đề án Bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế thực hiện từ 2013-2020. Sau 5 năm thực hiện, tỷ lệ chuyển tuyến ở nhiều chuyên khoa giảm rất đáng kể, như BVĐK tỉnh Bắc Ninh trước đây phải chuyển tuyến hầu hết bệnh nhân ung thư, hiện sau 4 năm thành lập Trung tâm Ung bướu, với sự hỗ trợ tích cực của Bệnh viện K, các bác sĩ đã điều trị tốt cho các bệnh lý ung thư vùng đầu cổ, tuyến giáp, ung thư thận, bàng quang... ngay tại địa phương.

Tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai, sự tiến bộ rất rõ rệt qua 2 giai đoạn (2013-2015: Học; 2016-2018: Tự ứng dụng). Theo đó, trong giai đoạn 2013-2015, trong số 1.773 ca thực hiện chụp và can thiệp động mạch vành qua da, có tới gần 1.400 ca bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ thực hành, tỷ lệ gần 79%. Với các kỹ thuật can thiệp tim mạch khác, tỷ lệ hỗ trợ gần 100%. Sau khi được học, đến giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ các ca bệnh phải có hỗ trợ thực hành chỉ còn 5%.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng, ban đầu Bộ Y tế dự định triển khai Đề án ở 5 chuyên khoa đang quá tải nhất gồm: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. ... Tuy nhiên, sau 5 năm, đã có 23 bệnh viện được xếp làm bệnh viện hạt nhân, 128 bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện ở huyện, ở vùng sâu vùng xa cũng đã vươn lên để làm bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện tuyến trên, thay vì chỉ triển khai đến tuyến tỉnh như dự kiến ban đầu, có thể kể đến: BVĐK huyện Mộc Châu (Sơn La), BVĐK huyện Mường Khương (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)… Không chỉ bệnh viện công lập, các bệnh viện tư nhân cũng “hòa mạng vệ tinh”.

Bệnh viện tuyến Trung ương chỉ nên tập trung kỹ thuật cao, khó

Đề án này còn nhân văn ở chỗ, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, khi bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ, dành được niềm tin của nhân dân, bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế và nghiên cứu khoa học...

"Bệnh viện Trung ương chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới tránh tình trạng quá tải”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các bệnh viện triển khai dịch vụ hẹn giờ khám cho bệnh nhân, quyết liệt cải cách hành chính. Bởi theo Bộ trưởng, nếu bệnh viện tuyến Trung ương cứ loay hoay giải quyết quá tải như hiện nay thì bệnh viện không thể xanh, sạch, đẹp, không thể có thời gian tập trung cho nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật cao, sâu, khó. Bộ trưởng nhận định, thời gian qua thái độ ứng xử của nhân viên y tế đã tốt hơn, nhưng quá tải ở tuyến Trung ương chưa đỡ nhiều, do đó về quang cảnh bệnh viện thì bệnh viện tuyến tỉnh đang vượt lên so với tuyến Trung ương.

 

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các bệnh viện cần quan tâm đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện và vấn đề kháng kháng sinh đang rất nóng hổi. Người đứng đầu ngành Y tế bày tỏ lo ngại về tư duy của nhiều người dân hiện nay, đó là cứ đau ốm, dù là bệnh nhẹ cũng lên tuyến Trung ương; trong khi các bệnh viện lại cho rằng, bệnh nhân càng đông càng tốt. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện tuyến cuối như: Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, K... cần xây dựng các trung tâm đào tạo ngang tầm quốc tế.

"Những bệnh viện vệ tinh nếu làm tốt thì sẽ thành lập hệ thống các bệnh viện vệ tinh của mình. Trong thời gian qua, một số bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn... hoặc BVĐK tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để Đề án Bệnh viện vệ tinh phát huy hiệu quả, các bệnh viện tuyến trên phải thực hiện chế độ định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến khám, chữa bệnh, “cầm tay chỉ việc” tại bệnh viện tuyến dưới, nhất là ở vùng khó khăn. Các bệnh viện tuyến trên cần chú trọng hỗ trợ y tế từ xa cho tuyến dưới trong hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, đào tạo…

Theo Giadinh.net.vn

minhhien.info
Tin công nghệ
Giải trí
Lập trình asp net - Ajax